THỰC PHẨM BIẾN ĐỔI GEN (GMO) VÀ CÁCH NHẬN BIẾT

Thực phẩm biến đổi gien (GMO) và cách nhận biết

Quan sát trao đổi trong nhóm, tôi nhận thấy nhiều bạn hay nhắc tới thực phẩm biến đổi gien (GMO) nhưng chưa thực sự hiểu GMO và lại càng không biết cách phân biệt GMO. Bài viết này sẽ giúp các bạn nắm được kiến thức cơ bản về GMO.

GMO là gì?

GMO là tên viết tắt của Genetically Modified Object, hiểu nôm na là các sinh vật (động vật, thực vật, vi khuẩn, vi sinh vật…) bị biến đổi gen, tức là có gien (DNA) bị thay đổi trong phòng lab. Sự thay đổi ở đây là chèn vào một đoạn gien của loài khác biệt hoàn toàn (vd: DNA của bắp sẽ được chèn một đoạn DNA của…vi khuẩn). Do vậy, giống GMO hoàn toàn khác biệt so với giống lai (hybrid) và giống thuần chủng (heirloom).

Làm sao phân biệt GMO?

Một số bạn thường hay “kết luận” sinh vật GMO dựa vào màu sắc, kích thước, hay hình dạng (vd: bắp có màu vàng, cà chua màu đen, hay bắp cải màu tím). Điều này hoàn toàn sai lầm. Thực tế là sinh vật GMO nhìn bề ngoài không có gì khác nguyên bản của nó (sinh vật thuần chủng hoặc lai bền vững). Điểm khác biệt duy nhất nằm tận trong…gien của sinh vật và không hề bộc lộ ra ngoài cơ thể chúng nên chúng ta không có cách gì nhận biết GMO bằng mắt thường.

Một đặc điểm nữa của sinh vật GMO là nông dân phải mua lại toàn bộ hạt giống sau mỗi vụ mùa, chứ không thể để giống cho vụ sau do các gien sinh sản đã bị nhà sản xuất làm thui chột. Một khi đã nuôi trồng sinh vật GMO, nông dân mãi mãi trở thành nô lệ của các đế chế kinh doanh GMO như Bayer-Monsanto hay Syngenta. Dựa vào đặc tính này, chúng ta có thể loại trừ GMO nếu nông dân vẫn giữ lại hạt để trồng cho vụ mùa sau (vì đây chính là trường hợp giống thuần chủng).

Nếu nông dân phải mua lại toàn bộ hạt giống sau mỗi vụ, có hai khả năng xảy ra: (1) giống lai kém bền vững, (2) giống biến đổi gien (GMO). Để phân biệt hai loại giống này, các bạn bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm riêng. Có 2 loại xét nghiệm phổ biến để kiểm tra GMO:

(1) STRIP test (tên khác là ELISA test) phát hiện các protein dị biệt sinh ra bởi DNA đã bị chèn các đoạn DNA khác loài bằng cách cố định các kháng thể protein dị biệt này (nếu có) trên một mặt phẳng cứng. Thời gian test chỉ mất chừng 5 phút, tuy nhiên STRIP test chỉ có tác dụng trên các mẫu rau củ quả tươi, còn thực phẩm chế biến sẵn thì nó không có tác dụng vì protein đã bị bẻ gãy bởi nhiệt độ cao;

(2) PCR test (Polymerase Chain Reaction) là xét nghiệm chuyên sâu chỉ có thể thực hiện trong phòng lab. Nó phân tích tổng thể toàn chuỗi DNA để xác định sự có mặt của các đoạn DNA dị biệt khác loài được chèn vào. Đặc biệt là PCR test có tác dụng cả trên thực phẩm chế biến sẵn, thời gian test khoảng 3 ngày (chi phí cao hơn STRIP).

Công nghệ mới để phát hiện GMO?

Viện công nghệ California (CIT) đã phát triển một phương pháp test mới nhanh hơn có tên là NGS (Next-Generation Sequencing), kĩ thuật này xác định được các đoạn gien dị biệt được chèn vào trên mọi loại thực phẩm và chỉ trong một lần test duy nhất.

Ngoài CIT, công ty EnviroLogix cũng đã phát triển một cách test nhanh và rẻ hơn dựa trên kĩ thuật PCR, gọi tắt là DNAble test, thời gian test chỉ mất 10 phút và kết quả tương đương với PCR test.

Trích nguồn : Jerry Do – Cộng đồng nông nghiệp minh bạch

One thought on “THỰC PHẨM BIẾN ĐỔI GEN (GMO) VÀ CÁCH NHẬN BIẾT

Gửi phản hồi

%d bloggers like this:
%d bloggers like this: